Người ta bảo nhân ngày Vu Lan, nhớ về Cha Mẹ.
Tôi, ngày này cũng như các ngày khác, vẫn nhớ về Cha mẹ mình, dù rằng Cha Mẹ vẫn bên cạnh tôi hàng ngày.
Giỗ em, về quê thăm mộ, thương em một, thương Cha Mẹ 10. Khi làm Cha rồi mới thấy mất con là đau đớn như thế nào. Làm Cha rồi mới hiểu tại sao Cha Mẹ mình, suốt mấy chục năm qua lại hy sinh vì mình ghê gớm như vậy.
Lớn lên, dù rằng được coi là đến tuổi tự vào đời, ra khỏi vòng tay chăm sóc của Cha Mẹ nhưng vẫn đọc được ánh mắt lo lắng của Cha Mẹ mỗi khi mình rời khỏi nhà, vẫn thấy mắt Cha Mẹ ánh lên niềm vui khi mình trở về nhà an toàn mỗi ngày.
“Con muốn ăn gì không, mẹ nấu?” là câu hỏi mỗi cuối tuần Mẹ dành cho tôi. Tuổi 40, vợ con đủ cả, có đủ tiền để muốn ăn gì thì ăn, đủ khả năng để yêu cầu vợ nấu tùy ý, nhưng cuối tuần vẫn nhất quyết đặt hàng Mẹ một món, dù món đấy vừa ăn hôm qua ở ngoài. Mẹ vui khi thấy mình vẫn là chỗ dựa cho con, dù chỉ là một bữa ăn.
Mỗi lần trở trời, như đợt bão số 1 vừa rồi, cả Bố và Mẹ đều mình mẩy đau nhức, xông vào xoa bóp. Được một lúc, Bố Mẹ cười bảo hết đau rồi. Đêm đấy, tôi biết Bố Mẹ không ngủ, cơn đau xương khớp hành hạ cả đêm. Xót lắm, nhưng không biết làm thế nào.
Bố muốn tôi thi thoảng về quê. Bố khỏe thì hai bố con về, bố mệt thì mình tôi về. Bố bảo về quê không phải vì có công có việc gì, về quê để giữ hình ảnh quê trong đầu, trong tim, họ hàng xa lâu ngày không gặp, tình cảm còn phai, huống chi quê. Có những câu chuyện về làng quê, Bố kể dễ đến cả trăm lần, lần nào tôi cũng chăm chú nghe. Lúc đầu chỉ nghĩ nghe cho vui, nhưng dần dà lại phát hiện, mỗi lần Bố kể với một tâm trạng khác nhau, gần đây, sau mỗi lần nói chuyện quê, Bố lại thở dài: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Qua mỗi lần nghe Bố kể chuyện, tôi lại thấy Bố già đi hơn so với lần kể trước, giọng Bố bùi ngùi hơn.
Tôi cũng hình thành thói quen về quê, thi thoảng đưa vợ con về cùng, cũng bắt đầu giảng giải cho con quê là gì. Lạ lắm, mỗi lần trong lòng vương mối lo âu, lại về quê, chốc nhát thôi, ngồi nhìn cánh đồng, cây đa, ngắm họ hàng vui cười chuyện đồng áng, lo âu, suy tư lại biến mất. Càng thấy thích bài Quê hương:“Quê hương là chùm khế ngọt, cho ta trèo hái mỗi ngày…”. Quê rộng lượng, chỉ cho mà không đòi nhận, những đứa con mải miết đi xa, bạc đến mấy, khi quay về vẫn được ôm ấp, xoa dịu.
Hôm trước, trong họ có một chú vừa mất, tuổi mới hơn 60. Thay bố về đưa tang chú, đi cạnh xe tang bỗng thấy mọi thứ hư vô lạ thường. Ai rồi cũng chết, không mang gì được theo ngoài cái nghiệp. Liệu dì tôi và các em đang gào khóc bên cạnh kia chú có biết? Vậy mới thấy, sự chăm sóc nhau khi còn sống nó ý nghĩa biết bao nhiêu. Lại nghĩ về Bố Mẹ, mắt cay cay, cổ nghèn nghẹn, chỉ muốn về ngay bên cạnh Bố Mẹ.
Nhân sinh vô thường, biết đâu, một ngày mai thức dậy, ta không còn Cha Mẹ bên cạnh. Vậy thì khi còn Cha Mẹ bên cạnh, ta hãy cảm nhận đó là phần thưởng của cuộc đời dành cho ta, ta vẫn được diễm phúc cài bông hồng trên ngực. Khi còn Cha còn Mẹ thì hãy biết trân trọng và hãy cứ vui đi….
Vu Lan đâu chỉ một ngày……
Đăng An