Từ lâu, chúng ta đã được dạy rằng, giúp người cũng là giúp mình. Khoa học đã chỉ ra rằng vị tha – được định nghĩa là đặt hạnh phúc của người khác lên trước bản thân mà không mong đợi báo đáp – thực sự giúp cải thiện sức khỏe của chúng ta.
Charles Dickens từng viết:
Không ai là vô dụng trên thế giới này, bạn có thể làm vơi đi gánh nặng cho người khác.
Làm việc tốt không những đem lại lợi ích cho người khác mà bản thân chúng ta cũng được hưởng lợi. Một ví dụ tiêu biểu là việc tham gia các hoạt động tình nguyện. Các kết quả từ Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (tên viết tắt là NCBI – thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ) cho thấy, làm tình nguyện sẽ giúp giảm thiểu căng thẳng và cải thiện trầm cảm, cũng có thể làm giảm nguy cơ suy giảm nhận thức và thậm chí có thể giúp chúng ta sống lâu hơn.
Cho đi cũng là cách giúp chúng ta chống lại nỗi đau. Theo một nghiên cứu vào năm 2017 của NCBI, những người bị đau mãn tính sẽ giảm bớt đau đớn khi mục đích sống được cải thiện. Một loạt các nghiên cứu mới đây đã tìm thấy lý do: các vùng não phản ứng với kích thích đau dường như bị vô hiệu hóa ngay lập tức bởi trải nghiệm cho đi.
“Trong khi hầu hết các lý thuyết và nghiên cứu trước đây đều nhấn mạnh đến lợi ích lâu dài và gián tiếp của lòng vị tha, thì nghiên cứu hiện tại đã chứng minh rằng những hành động vị tha ngay lập tức sẽ khiến cho người ta giảm thiểu các cơn đau”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Các nghiên cứu về lòng vị tha
Các nghiên cứu của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ đã thử nghiệm nhiều kịch bản khác nhau về lòng vị tha ở 287 người.
Phát hiện thứ nhất là, những người làm xét nghiệm máu thông thường chịu nhiều đau đớn hơn so với những tình nguyện viên hiến máu, mặc dù những tình nguyện viên này sử dụng kim tiêm lớn hơn. Phát hiện thứ hai là, những người sẵn lòng dành thời gian của mình để ôn tập bài vở cho con cái của người lao động nhập cư có khả năng chịu lạnh tốt hơn những người không làm tình nguyện.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu đã tuyển dụng các bệnh nhân ung thư đang sống chung với các cơn đau mãn tính. Họ được yêu cầu tự nấu ăn và dọn dẹp hoặc vì lợi ích của những người khác tại trung tâm điều trị của họ. Khi họ giúp đỡ người khác, mức độ đau đớn của họ giảm xuống. Khi họ làm việc vì lợi ích cá nhân của họ, hiệu quả giảm đau đã giảm hơn 62%.
Trong nghiên cứu đáng nói nhất, các nhà nghiên cứu yêu cầu những người tham gia xem xét việc quyên góp tiền để giúp đỡ trẻ mồ côi. Nếu họ đồng ý, họ sẽ được yêu cầu đánh giá mức độ hữu ích của sự đóng góp đó theo suy nghĩ của họ. Bộ não của những người tham gia sau đó được quét qua MRI trong khi họ trải qua một cú sốc điện ở tay.
Kết quả cho thấy, các trung tâm kiểm soát cơn đau trong não của những người đã quyên góp ít cảm thấy đau đớn hơn so với người không quyên góp. Ngày càng có nhiều người tin rằng, hành động vị tha của họ là hữu ích và não của họ càng ít phản ứng với nỗi đau.
Làm việc tốt sẽ nhận được phần thưởng tương ứng
Mặc dù còn cần phải nghiên cứu nhiều hơn nhưng các nhà khoa học tin rằng, y học nên cân nhắc việc sử dụng lòng vị tha để bổ sung vào liệu pháp điều trị cơn đau.
Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra việc cho đi kích thích các trung tâm khen thưởng của não, tạo ra một cảm giác hạnh phúc và nhẹ nhõm.
Như vậy, khi làm việc tốt, cơn đau được giảm nhẹ một cách hiệu quả và cảm giác hạnh phúc đồng thời cũng đến với chúng ta. Dường như bộ não đã thưởng cho chúng ta vì hành động giúp đỡ người khác, ngay cả khi chúng ta không mong đợi được báo đáp. Có lẽ đây là lý do tuyệt vời để đưa việc làm tình nguyện và những hành động ý nghĩa khác vào danh sách các việc bạn cần làm trong năm mới, để cải thiện sức khoẻ của bản thân và những người khác.
Thủy Chi