Năm 2017, làng show biz thế giới rúng động bởi sự ra đi của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng, đang ở thời kỳ chín muồi về tài năng và danh vọng. Giữa năm 2017, trưởng nhóm nhạc Rock nổi tiếng Linkin Park treo cổ tự sát. Và những ngày cuối năm này, người hâm mộ làng nhạc lại bàng hoàng trước việc một sao âm nhạc trẻ người Hàn Quốc tự vẫn bằng khí than.
Điều gì đã khiến những người có đầy đủ mọi thứ trong tay, lại sẵn sàng từ bỏ hết thảy, chọn cho mình một lối thoát tuyệt vọng?! Danh vọng, tiền bạc, nhan sắc, tài năng, gia đình con cái cũng không đủ để níu kéo họ ở lại với thế gian này.
Sự ra đi của họ làm người đời đau đáu một câu hỏi, điều gì làm nên hạnh phúc thật sự? Sự việc tự sát liên tiếp của những nghệ sỹ nổi tiếng trên đây cho thấy tất cả những danh vọng, tiền tài, nhan sắc, và cuộc sống lứa đôi gia đình cũng không thể làm cho con người thực sự hạnh phúc.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cũng từng nói trong một tác phẩm của ông, đại ý rằng con người luôn truy tìm hạnh phúc từ những thứ “ngoại thân” (những thứ bên ngoài) như tình yêu, danh vọng, của cải nhưng hạnh phúc thật sự lại xuất phát từ bên trong con người. Một bộ phim truyền hình từ những năm thập niên 90 của Mê-hi-cô tựa đề “Người giàu cũng khóc”, cũng đã phần nào phản ánh sự tìm kiếm sai lạc của con người trong hành trình đi tìm hạnh phúc ở của cải, tiền bạc.
Xã hội hiện đại, kinh tế phát triển, con người ta hưởng thụ một cuộc sống thừa mứa về vật chất, nhưng thiếu thốn về tinh thần, điều đó khiến con người càng xa rời hạnh phúc. Thế nên mới xuất hiện căn bệnh “trầm cảm”, được ví von như “bệnh của người giàu”, vì người ta không thể tìm ra nguồn gốc gây bệnh. Đa phần những người bị bệnh trầm cảm, về bề mặt là những người đầy đủ về danh vọng và tiền bạc. Tuy nhiên những bệnh nhân trầm cảm luôn cảm thấy thiếu hụt, khổ sở trong nội tâm.
Như chàng nghệ sỹ quá cố người Hàn Quốc kia. Người ta còn chụp được ảnh chàng trai đậu chiếc xe lamborghini của mình trước một cửa hàng vài tiếng trước khi cậu tự vẫn. Lamborghini, chiếc xe thời thượng hào nhoáng biểu hiện của đẳng cấp, mơ ước của bao thanh niên. Nam ca sỹ này đã có trong tay mình ước mơ của bao người, nhưng nó không hề khiến cậu có cảm giác vui vẻ, thỏa mãn. Ở một góc độ nào đó, nó thậm chí có thể là nguyên nhân đẩy nhanh cậu rơi vào hố sâu của tuyệt vọng. Bởi khi người ta đạt đến đỉnh hưởng thụ vật chất trong một lối sống vị kỷ, người ta dễ cảm thấy hoang mang không biết đích tới tiếp theo của bản thân là gì, cũng như luôn lo sợ mất đi những thứ hiện có.
Vậy làm thế nào để có được một cuộc sống tinh thần an lạc và tự tại? Không còn cách nào ngoài việc con người phải tu dưỡng đạo đức tinh thần của chính mình, phải học cách khống chế dục vọng và ham muốn cá nhân, đồng thời rèn luyện tinh thần biết nghĩ cho người khác. Khi người ta vượt thoát được lối sống chỉ biết truy cầu và thỏa mãn ham muốn, tham vọng cá nhân, thì khi ấy mới có được đời sống tinh thần thăng hoa, nội tâm an lạc, từ đó có được hạnh phúc thực sự.
Lý luận thì giản đơn ngắn ngủi, nhưng thực hiện được nó không dễ. Ai đó từng nói “kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Con người ngày nay dễ thỏa hiệp với những đỏi hỏi, ham muốn dục vọng của bản thân. Đạo đức xã hội hiện đại suy đồi khiến người ta càng dễ nhầm lẫn việc nuông chiều bản thân mình thành lối sống đúng đắn. Câu nói “người không vì mình trời tru đất diệt” được đại đa số người hiện nay tán đồng, và lấy đó làm triết lý sống mà không biết rằng chạy theo lối sống vị kỷ này càng khiến họ tuyệt vọng trong việc tìm kiếm hạnh phúc.
Thực hiện một lối sống “vị nhân” (vì người khác) tuy khó khăn nhưng nó là con đường đúng đắn duy nhất để con người có được hạnh phúc thật sự và bền vững. Lão Tử từng nói “Đạo, khả đạo, phi thường đạo”, đại ý muốn nói cái gì dễ dàng quá, có đầy đất, nhặt lên được ngay, thì không phải là thứ chân chính. Khó khăn trên con đường chân chính là đương nhiên, nhưng đó là con đường tích cực và đầy hi vọng.
Lê Anh