Trong cuộc sống, rất nhiều khi bạn phải đối mặt với tình huống này: Vốn đối xử với người ta không tệ, thậm chí còn luôn khiêm nhường, nhẫn nhịn thế nhưng vẫn chỉ toàn nhận về bực bội, ấm ức. Câu hỏi đặt ra là ở hoàn cảnh xáo trộn ghê gớm về nhân tâm ấy, chúng ta nên ứng xử ra sao: mỉm cười bỏ qua hay tranh đấu đôi co lại? Có thể những câu chuyện dưới đây sẽ cho bạn một gợi ý.
Hãy nghĩ rằng: Hết thảy chúng sinh đều từng là cha mẹ đời trước của ta
Đức Phật đã từng khai thị với các đệ tử của mình rằng, hết thảy chúng sinh trên đời đều từng là cha mẹ kiếp trước của ta. Đương nhiên, đó là một cách nói hình ảnh, ẩn dụ. Pháp lý mà Đức Phật Thích Ca muốn truyền tải chính là hãy đối xử với tất cả những người ta từng gặp gỡ giống như cách ta phụng dưỡng, yêu thương cha mẹ mình vậy: khiêm nhường, lễ độ, thân ái, trìu mến.
Phật gia giảng về lục đạo luân hồi, con người sinh ra không chỉ tồn tại một kiếp, một đời, rất có thể ở những kiếp khác nhau hai người đã có nhân duyên. Bởi vậy khi có người khiến bạn bực mình, hãy thử nghĩ rằng biết đâu trong những đời trước họ đã từng là cha mẹ của mình? Nếu quả thực là như vậy, có phải họ cũng đã từngchịu đựng bao vất vả, cực khổ để nuôi dưỡng, chăm sóc, yêu thương ta hay không? Khi ấy, liệu chúng ta còn nỡ lòng căm hận họ hay không?
“Hết thảy chúng sinh đều là Bồ Tát”
Ấn Quang Đại Sư từng nói: “Xem hết thảy chúng sinh đều là Bồ Tát, duy chỉ có mình ta là kẻ phàm phu“. Ý nghĩa của câu nói này thực ra vô cùng sâu sắc. Phật gia giảng mỗi người đều có Phật tính, nghĩa là bản tính nguyên sơ của con nguời chính là do Phật tạo nên, là thuần thiện, thuần chính. Dẫu trên đường đời bạn gặp không ít kẻ tiểu nhân, những người cơ hội, chỉ chực làm hại ta. Nhưng Phật nhắc ta nhớ rằng, như Mạnh Tử nói, “Nhân chi sơ, tính bản thiện“.
Đừng vì cái xấu xí của họ hôm nay mà thiếu đi sự tin tưởng vào bản tính thiện lành gốc rễ của con người. Khi có thể coi họ như Bồ Tát có nghĩa là ta đã nhìn thấu được sự tốt đẹp chân chính của sinh mệnh họ, nhận ra được phần thiện lành ẩn sâu trong họ. Chỉ như thế, ta mới có thể bao dung và yêu thương họ.
Phàm những người chọc giận ta, ở một khía cạnh nào đó, là đều đang giúp ta tôi rèn sự Nhẫn chịu, một trong những đức tính tuyệt vời nhất mà Phật gia yêu cầu đối với sự tu dưỡng của con người. Có thể nhẫn chịu và mỉm cười trước những lời thoá mạ, châm chọc, những chuyện đố kỵ hèn hạ, nhỏ nhen, chẳng phải bạn đã trở thành một bậc quân tử rồi sao, chẳng phải đã nâng cao phẩm giá, đức hạnh của mình lên mấy phần rồi sao? Chúng ta thực sự nên cảm ân họ.
Tôn giả A Đế Hạp năm đó từ Ấn Độ đến Tây Tạng có dẫn theo một kẻ hầu theo. Ông luôn bảo anh ta dùng đủ cách để chọc giận mình, mục đích là để bản thân có cơ hội tu luyện đức nhẫn nhục nhiều hơn. Đối với chúng ta, gặp người liên tục chọc giận mình cũng chính là có được cơ hội tu rèn sự nhẫn nhục miễn phí. Đôi khi, chúng ta phải nên xem họ là “quý nhân” của mình vậy.
Hãy coi hết thảy chúng sinh đều là Phật trong tương lai
“Ta không dám xem thường mọi người, đều xem mọi người giống như Phật vậy”. (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh – Thường Bất Khinh Bồ Tát Phẩm). Sở dĩ có thể nói như vậy là bởi Phật gia giảng phổ độ chúng sinh, có thể cấp cho tất cả mọi người cơ hội đắc độ, tu luyện, thậm chí tu thành chính quả. Những chúng sinh trong hiện tại, dù chưa thấu hiểu Phật Pháp, chưa từng nghĩ đến tu hành nhưng phải chăng trong kiếp luân hồi ức triệu năm họ hoàn toàn không thể còn cơ hội?
Có thể ngay trong đời này, cũng có thể là ở kiếp sau, chỉ cần có duyên, họ ắt sẽ đắc được Phật Pháp nhiệm màu, cũng có thể tu thành chính quả, thành một vị Phật chân chính. Phật Thích Ca Mâu Ni chẳng phải chính là từ một người thường với tâm cầu đạo, tu hành nhiều năm rồi nhập niết bàn mà trở thành Phật?
Đó là lý do vì sao Phật giảng: Điều ý nghĩa nhất của sinh mệnh đời người là trở về, “phản bổn quy chân”, quay về với bản tính thuần thiện, nguyên sơ của sinh mệnh. Khi con người có thể “phản bổn quy chân” (rũ bỏ sự vô minh, tăm tối để quay về chân giá trị), thì chuyện đắc đạo thành Phật chẳng phải chỉ còn là vấn đề sớm muộn hay sao?
Nói cách khác, hết thảy mọi chúng sinh đều đáng nhận được sự tôn kính bởi vì trước Phật tất cả đều bình đẳng. Thế thì tại sao ta lại có thể sân hận họ được đây? Khởi tâm sân hận, oán thù họ nào có khác chi oán hận Phật đây? Đạo lý chính là như vậy.
Hết thảy mọi chúng sinh đều đáng nhận được sự tôn kính bởi vì trước Phật tất cả đều bình đẳng.
Vậy nên mỗi lần gặp phải chuyện phiền lòng, đụng độ phải người gây khó dễ, đối diện với điều ấm ức, bạn hãy niệm thầm trong đầu mình 3 lời này:
“Hết thảy chúng sinh đều đã từng là cha mẹ đời trước của ta”
“Hết thảy chúng sinh đều là Bồ Tát lúc này”
“Hết thảy chúng sinh đều là Phật trong tương lai”
Nỗi sân hận trong tâm bạn sẽ mau chóng tiêu tan như làn khói. Mọi yêu, ghét, hận, thù cũng sẽ qua như giấc mộng. Và bạn sẽ chỉ thấy:
Vô thường sinh tử kiếp con người
Hồng trần cuồn cuộn chẳng phút nguôi
Tâm phiền rũ, lòng như trăng sáng
Gieo thiện lành kết phúc nơi nơi
Thiện Sinh – Văn Nhược
- Nói là một loại năng lực, ngừng nói trong 3 lúc này là trí tuệ của con người (10.04.2024)
- Nhớ lấy 3 điều khi Bạn gặp khó khăn (28.10.2023)
- Khi bạn ngày càng trở nên im lặng hơn… (15.10.2023)
- Nguồn gốc nỗi đau của mỗi người (24.09.2023)
- 9 điều này đã thức tỉnh, thay đổi cuộc sống của vô số người (16.09.2023)
- Làm ít đi 3 điều này chính là tích lũy phước lành, đón thêm may mắn (14.09.2023)
- Chữ “Hiếu” bây giờ (06.07.2023)
- Đời người nhiều khi không phải đến cuối cùng mà là đến ngã rẽ (24.05.2023)
- Đời người cần sự quan tâm thấu hiểu hơn là chỉ trích đánh giá (22.05.2023)
- 5 hành vi khiến một người phúc mỏng mệnh khổ (17.04.2023)