Lời nói là phản ánh của tư tưởng, bản tính và phẩm cách của một người có thể thấy được phần nào thông qua lời nói của anh ta. Vậy nên, một người có đáng quen thân hay không thực ra chỉ cần nhìn vào lời nói của họ ta sẽ có được câu trả lời.
Những người ăn nói tục tĩu tốt nhất là đừng nên kết giao
Trong lúc mẹ tôi đang chuẩn bị làm cơm ở nhà bếp, chúng tôi ngồi ở phòng khách ăn bánh trái và xem phim. Vì không thích bộ phim, mấy cô bạn đó đều nhao nhao lớn tiếng mắng chửi người viết kịch bản và đạo diễn, thậm chí còn mắng đến 18 đời tổ tông nhà người ta, còn thuận tiện mắng luôn cả đài truyền hình.
Sau khi họ đi rồi, mẹ tôi ra sức cấm tôi không được chơi với họ nữa. Bà nói: “Con gái gì đâu toàn nói những lời tục tĩu, lần đầu đến nhà người ta làm khách mà ngay đến phép tắc giáo dưỡng cũng không có”.
Tôi vội bệnh bạn rằng: “Đấy là người hào sảng, thẳng tính chứ sao?”.
Mẹ tôi nói: “Thẳng tính mà như vậy thì thật không tốt chút nào, nói trắng ra là không có giáo dưỡng thì đúng hơn”.
Lúc đầu tôi rất muốn chơi với họ, nhưng mẹ tôi nhất quyết không cho. Tôi vẫn cãi lời không nghe vì thế mà ngày nào cũng mâu thuẫn với mẹ.
Một ngày kia, một người trong số họ đột nhiên đến tìm tôi mượn tiền. Khi đó tôi vừa mới tốt nghiệp, việc làm cũng chưa có, lấy đâu ra tiền đây, liền nói rằng mình không có tiền.
Thật không ngờ khi nghe thấy tôi nói vậy, người bạn kia liền tức miệng mắng tôi xối xả như tát nước vào mặt. Những lời mắng chửi hết sức khó nghe, nói nào là đã uổng công xem tôi là bạn bè, giờ bạn bè đang khó khăn hỏi mượn chút tiền cũng không cho, nào là đúng thật là đồ tồi.
ôi đã vì họ mà không ít lần bất hòa với bố mẹ, bây giờ họ lại quay ngược lại mắng tôi là đồ tồi.
Cuối cùng tôi đã tin những lời mẹ nói, một người mà mồm miệng nói ra những lời tục tĩu, đó không phải là thẳng tính mà là không có giáo dưỡng.
Những lời bẩn thỉu của họ khi mắng chửi người khác, bạn đứng ngoài nghe có thể cảm thấy đó là thẳng tính. Chỉ đến khi họ chĩa mũi giáo về phía mình, bạn mới biết được rằng những lời nói đó khiến người ta tổn thương sâu sắc thế nào.
Người thường hay nói dối thì đừng quá thân thiết với anh ta
Khi mới bước ra xã hội, tôi có gặp một người, mỗi lần đều nói với chúng tôi rằng anh ta quen rất nhiều những nhân vật tai to mặt lớn, hễ cần đều có thể tìm đến họ giúp đỡ.
Có lần tôi cùng anh ta đi gặp khách hàng, trên đường anh ta luôn thổi phồng với tôi rằng anh ta lợi hại thế nào, trong chốc lát đã lấy được hợp đồng mấy tỷ.
Nghe anh nói vậy, tôi thật không khỏi ngưỡng mộ, quyết tâm sau này phải thường xuyên đi theo anh ta để học thêm chút kỹ năng nghiệp vụ.
Đến khi gặp được khách hàng, sau khi uống hai cốc rượu, anh ta vì chút chuyện nhỏ đã cãi nhau với khách hàng. Kết quả là không chỉ hợp đồng không ký được, mà chúng tôi còn bị khách hàng liệt vào danh sách đen.
Sau khi về đến công ty, tôi dù có nghĩ thế nào cũng nghĩ không ra. Một người có thể dễ dàng ký được hợp đồng trị giá mấy tỷ, sao mà ngay đến cả một hợp đồng cỏn con cũng không nắm bắt được?
Sau khi cấp trên biết được suy nghĩ của tôi, liền cười nói với tôi rằng: “Cậu đừng để ý đến anh ta, anh ta trước nay chỉ thích khoác lác, mười câu anh ta nói thì có đến tám chín câu là không tin được”.
Lúc này tôi mới vỡ òa, một người thường hay nói dối, điều đó chứng tỏ anh ta vừa không dám thành thực đối diện với chính mình, cũng không dám thành thực đối diện với người khác. Người như vậy, ai còn dám kết giao với anh ta nữa.
Người thường nặng lời với cha mẹ, biểu hiện dù có tốt hơn, cũng nên ít qua lại
Có những người rất lịch sự với người ngoài nhưng với những người thân thiết nhất của mình, trong đó có cả cha mẹ, lại thường hay nặng lời, thậm chí quát mắng. Người như vậy, dù biểu hiện của anh ta có tốt thế nào, thì cũng nên ít qua lại.
Bạn nghĩ xem, cha mẹ vất vả nuôi anh ta khôn lớn, thế mà anh ta không những không biết cảm ân, lại còn thường xuyên mắng chửi cha mẹ. Người như vậy, liệu còn đáng để kết giao nữa hay không?
Dẫu bạn có tốt với anh ta hơn nữa, thì có tốt bằng cha mẹ anh ta hay không? Anh ta ngay đến cả ân tình của cha mẹ cũng không nhớ kể đến, thì liệu có nhớ đến chút ân tình đó của bạn hay không?
Với bạn bè thì ăn nói khiếm nhã, còn với người có tiền có thế thì ra sức nịnh nọt, người như vậy tốt nhất là nên tránh xa
Có một loại người với bạn bè thường nói năng thiếu tôn trọng, không chút kiêng nể gì. Thường là thế này, bạn nói với họ rằng mình thích ăn món này, họ nói: “Đồ ăn này bạn cũng ăn được sao?”. Bạn nói với họ rằng mình thích xem bộ phim này, họ liền cười cợt bạn rằng: “Sở thích của bạn sao mà quá nhạt nhẽo”. Bất kể bạn nói cái gì, chỉ cần là điều họ không thích, họ đều sẽ giễu cợt bạn một hồi, hoàn toàn không để tâm đến cảm giác của bạn.
Nhưng khi họ đứng trước lãnh đạo, đối diện với những người có tiền có thế, thì họ lại ra sức nịnh nọt lấy lòng. Dẫu cho phẩm vị có khác biệt đến đâu, họ cũng sẽ một lòng ra sức khen hay.
Với loại người này, không chỉ không nên quen thân, mà còn nên tránh xa ra.
Loại người này, nhất định là thấy lợi quên nghĩa, lúc nào cũng có thể vì lợi mà bán đứng bạn bè. Bởi vì ngay từ trong tâm họ vốn không có màng đến cảm nhận của người khác, mà chỉ quan tâm đến lợi ích của tự mình.
***
Có câu rằng: “Có nhiều bạn bè thì đường đời sẽ dễ đi hơn”. Nhưng tình bạn thì nên nhìn vào chất lượng, chứ đừng chỉ chăm chăm vào số lượng mà thôi. Quả thực là, kết giao khắp thiên hạ, tri kỷ chẳng mấy người. Người có thể hiểu ta, có thể hiểu cách đối nhân xử thế tìm được chẳng dễ chi. Vậy thì chi bằng ta hãy cố gắng tự sửa mình, tu đức dưỡng tính rồi thì “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, cuối cùng ta cũng sẽ gặp được người cần gặp mà thôi!
Thuận An