Hiếu là nền tảng của đức hạnh, là bài học đầu tiên của đạo làm người. Hiếu kính là ưu tiên hàng đầu và là điểm khởi đầu của mọi việc tốt. Có thể nói, người không hiếu kính cha mẹ mình thì những chuyện khác cũng không cần phải nói đến.
1. Giữ gìn sức khỏe tốt
Từng được hỏi rằng thế nào là chữ hiếu, Khổng Tử nói: “Cha mẹ chỉ lo con cái ốm đau”.
Khổng Tử tin rằng điều cha mẹ lo lắng nhất là sự an toàn và sức khỏe của con cái họ. Con cái là máu thịt của cha mẹ. Thân thể, làn da, mái tóc này đều là thừa hưởng từ cha mẹ. Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, bao mùa xuân hạ thu đông trôi qua luôn cầu mong con khỏe mạnh. Vì vậy, bảo vệ chính mình cũng là lòng hiếu thảo lớn với cha mẹ.
Đừng hủy hoại bản thân bằng cách ăn uống quá độ, đừng thức khuya chơi game và “đốt” tiền như một con thiêu thân, cũng đừng ngồi cả ngày mà không hoạt động. Sức khỏe tốt chính là cấp độ đầu tiên của lòng hiếu thảo và cũng là điều ai trong chúng ta cũng cần cố gắng đạt được.
2. Không thêm gánh nặng cho cha mẹ
Trên thực tế, cha mẹ không có yêu cầu nào cao xa đối với con cái và họ cũng không mong đợi được đáp lại bất cứ điều gì. Điều mà nhiều bậc cha mẹ vẫn thường tâm niệm là: “Chỉ mong sao con có thể sống tốt cuộc sống của mình”, tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ thực hiện.
Trong xã hội ngày nay, sự cạnh tranh rất khốc liệt và nhiều người thực sự gặp khó khăn trong việc nuôi sống bản thân. Giá nhà quá cao, nhiều vợ chồng trẻ cần sự giúp đỡ từ tiền lương hưu của cha mẹ. Khi con ra đời, họ lại cần được ông bà giúp đỡ chăm sóc.
Nếu cha mẹ có đủ khả năng tài chính thì tất cả những điều này sẽ không thành vấn đề. Nếu khả năng tài chính không đủ sẽ gây áp lực tâm lý rất lớn cho cha mẹ. Dù bạn có bao nhiêu tuổi đi chăng nữa thì cha mẹ vẫn luôn sẵn sàng che chở cho bạn khỏi mưa gió cuộc đời, cố gắng giải quyết các khó khăn cho bạn. Để cha mẹ lo lắng về khó khăn của mình ấy là chưa làm tròn chữ hiếu.
Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực sống tốt và không tạo gánh nặng cho cha mẹ. Người có hiếu sẽ chăm chỉ học tập, nâng cao khả năng mưu sinh. Người có hiếu sẽ chăm chỉ làm việc và gây dựng sự nghiệp riêng. Người có hiếu sẽ chủ động đương đầu với dông bão của cuộc đời. Đây là mức độ hiếu thảo thứ hai, không làm gánh nặng cho cha mẹ.
3. Không để cha mẹ phải lo cơm ăn, áo mặc
Có thể nói, lòng hiếu thảo cấp độ thứ nhất và thứ hai là chăm sóc tốt cho bản thân mình, còn từ cấp độ thứ ba trở đi, đó là những gì dành cho cha mẹ, bao gồm đầu tư về cả vật chất và tinh thần.
Cha mẹ đã làm việc rất vất vả và chiến đấu không ngừng nghỉ trong suốt nửa đầu cuộc đời, phần lớn là vì con cái. Giờ đây, khi cha mẹ có tuổi, không còn có thể làm việc cật lực để kiếm tiền như trước nữa, cần sự hỗ trợ thực tế hơn.
Nếu mọi người đều có thể chăm sóc tốt cho cha mẹ mình, không để cha mẹ không phải lo cơm ăn áo mặc, đó không chỉ là sự hiếu kính với cha mẹ mà còn là sự đóng góp cho xã hội. Cơm ngày ba bữa chẳng cần cầu kỳ xa hoa, không phải du lịch nước ngoài xa xôi mà đơn giản là thường xuyên cùng nhau ra ngoài đi dạo. Đây chính là cấp độ hiếu kính thứ ba, không để cha mẹ phải lo cơm ăn áo mặc.
4. Đồng hành cùng cha mẹ
Nhiều người cao tuổi ngày nay không thiếu tiền, cái họ thiếu là sự đồng hành và quan tâm. Đây có thể coi là một hiện tượng trong sự phát triển của xã hội ngày nay, khi nhiều người rời bỏ quê hương để kiếm sống. Những người trẻ nông thôn lên thành phố phát triển, người trẻ thành thị vươn ra nước ngoài phát triển. Kết quả là gì? Nhiều người già dù cuộc sống đủ đầy vật chất nhưng rất cô đơn, có bạn đồng hành và có người để trò chuyện.
Cha mẹ sẽ không trách móc con cái vì điều này nhưng phận làm con, không thể không để ý. Khi có thời gian hãy chủ động gọi điện cho cha mẹ, khi thu xếp được hãy trở về nhà, cùng cha mẹ trò chuyện, đi dạo, chơi cờ, quây quần bên mâm cơm. Đừng quên cấp độ thứ tư của sự hiếu kính là đồng hành với cha mẹ.
5. Thái độ vui vẻ
Lòng hiếu kính dành cho cha mẹ thể hiện ở sự đồng hành và giao tiếp cùng cha mẹ. Tuy nhiên, một số người lại mang những bực dọc về nhà, dễ dàng sinh ra mâu thuẫn với cha mẹ, mang tâm tình không tốt. Nếu như vậy, chẳng thà không cùng nhau sẽ tốt hơn.
Quả thực, không hề dễ dàng để luôn khiến cha mẹ cảm thấy hài lòng với mình. Nhưng có một loại hiếu thảo chính là không gây rắc rối, có một loại hiếu thảo tên là không bào chữa và loại hiếu thảo còn lại là không nói những lời gây tổn thương.
Khi một người già đi, phản ứng của họ có thể chậm đi, bạn nên học cách kiên nhẫn. Khi một người già đi, một số suy nghĩ không thể theo kịp bạn, nếu họ không đồng ý với bạn, hãy giải thích từ từ. Khi một người già đi, họ muốn cảm giác rõ hơn sự tồn tại của mình và muốn lo liệu mọi việc, hãy cứ để họ làm.
Dù bạn bao nhiêu tuổi, dù bạn có bao nhiêu tiền thì trước mặt cha mẹ, bạn vẫn luôn là con của họ. Hay nói, hay cười, gặp nhau với thái độ vui vẻ chính là thể hiện lòng hiếu kính.
6. Lòng hiếu thảo trước giường bệnh
Sinh, lão, bệnh, tử là con đường tất yếu của cuộc sống. Ai cũng có ngày già đi và ai cũng có ngày bệnh tật. Khi cha mẹ ốm đau, bạn có thể ở bên giường bệnh và chăm sóc họ được không?
Bệnh tật kéo dài của một người già quả thực là gánh nặng lớn đối với con cháu, cả về tài chính và thời gian. Thực sự không dễ để có thể thu xếp việc này nhưng phận làm con, dù thực tế có khó khăn đến đâu thì chúng ta cũng phải nỗ lực vượt qua và cố gắng hết sức.
7. Duy trì sự phát triển của gia đình
Sự thịnh vượng của một gia đình đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều thế hệ. Các bậc cha mẹ trên khắp thế giới đều có một mong muốn là con mình mai này lớn lên “con trai thành rồng, con gái thành phượng”. Thực tế, đây không chỉ là mong muốn của cha mẹ mà còn là nhu cầu phát triển của gia đình.
Mọi người đều là một phần của gia đình và có trách nhiệm làm cho gia đình ấy ngày càng phát triển. Cách để thể hiện lòng hiếu kính đối với cha mẹ chính là nỗ lực làm việc hết mình, kiên trì và không lùi bước. Con cái phát triển chính là niềm an ủi lớn lao của cha mẹ và thể hiện lòng hiếu thảo rất cao.
BẢO ANH.
- 5 tính cách phổ biến về tiền bạc (03.05.2021)
- Bước ngoặt để con trẻ trưởng thành (28.05.2020)
- Phật tử có thể “Tắm Phật Online” trong mùa Covid-19 (01.05.2020)
- Khi tức giận, người trưởng thành nào khác chi đứa trẻ 5 tuổi? (31.10.2019)
- Hạnh phúc nơi đâu… (07.01.2018)
- Người trẻ và 5 lựa chọn quan trọng nhất cuộc đời (16.06.2018)